1. Thế nào là an toàn lao động trong sản xuất?
An toàn lao động trong sản xuất là giải pháp phòng, chống các yếu tố gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. Hiểu một cách đơn giản, đây là giải pháp ngăn chặn các tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc của người lao động; gây thương tích thân thể, thậm chí là gây thương vong.
Tùy theo ngành nghề, đặc thù sản xuất, sẽ có các quy định của pháp luật riêng về đảm bảo an toàn lao động. Trong các quy định phải thể hiện rõ phương tiện bảo vệ, điều kiện, kỹ năng giúp người lao động đảm bảo an toàn khi làm việc.
Phạm trù đảm bảo an toàn lao động không chỉ có các biện pháp bảo vệ trực tiếp mà còn có các biện pháp khác như: tiền lương; phụ cấp độc hại; thời gian nghỉ ngơi; bảo hiểm lao động…
Những ngành nghề có nguy cơ cao cao về tai nạn lao động:
- Xây dựng.
- Sản xuất kim loại và các sản phẩm làm từ kim loại.
- Sản xuất hóa chất và các sản phẩm làm từ cao su, nhựa…
- Khai khoáng và sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế.
- Sản xuất và phân phối điện.
- Chế biến, bảo quản thủy sản.
- Sản xuất các sản phẩm dệt may, giày da, điện tử…
- Đóng, sửa chữa tàu biển.
- Tái chế phế liệu.
- Vệ sinh môi trường.
2. An toàn lao động trong sản xuất có cần thiết không?
Nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn cho rằng: “Vấn đề đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất là không cần thiết”. Liệu doanh nghiệp, người lao động có cần tuân thủ đúng quy định về an toàn lao động hay không?
Trên thực tế, an toàn lao động trong lĩnh vực sản xuất là rất cần thiết đối với cả người lao động và doanh nghiệp. Đây là quyền lợi mà người lao động nhận được và là nghĩa vụ doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện. Lợi ích lớn nhất khi thực hiện tốt an toàn lao động chính là ngăn ngừa thương vong, nâng cao hiệu suất làm việc.
Riêng với doanh nghiệp, nếu không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động sẽ bị phạt tiền theo quy định của pháp luật. Trường hợp, doanh nghiệp không đảm bảo an toàn lao động mà có người lao động bị tai nạn hoặc thương vong. Theo đó mức xử phạt sẽ càng cao, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự (tùy theo mức độ và lĩnh vực sản xuất).
3. Các quy định về an toàn lao động trong sản xuất
Trong quá trình lao động – sử dụng lao động, doanh nghiệp và người lao động phải tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động trong sản xuất.
3.1. Đối với doanh nghiệp (người sử dụng lao động)
Để đảm bảo an toàn cho lao động trong quá trình làm việc, doanh nghiệp cần thực hiện các quy định sau:
- Phải đảm bảo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, bụi, hơi, độ thoáng, khí độc và các yếu tố nguy hại khác; được quy định tại các quy chuẩn về kỹ thuật liên quan.
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện người lao động về việc thực hiện đúng quy định an toàn lao động. Thực hiện đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Không được ép buộc người lao động làm việc hoặc trở lại nơi làm việc nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.
- Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đặc biệt là người làm việc trong môi trường độc hại.
- Đảm bảo máy móc, thiết bị, vật tư luôn vận hành tốt và được bảo trì thường xuyên theo quy chuẩn kỹ thuật an toàn.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm.
- Kiểm tra định kỳ, đo lường các yếu tố nguy hại để đảm bảo luôn an toàn.
3.2. Đối với người lao động
Không chỉ riêng doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về an toàn lao động trong sản xuất. Người lao động vẫn phải luôn thực hiện đúng các quy định, yêu cầu về đảm bảo an toàn lao động.
- Chấp hành đúng nội quy, quy định về an toàn lao động do doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Lưu ý, thực hiện theo những quy định liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
- Tuân thủ pháp luật, nắm rõ những kiến thức và kỹ năng liên quan đến các quy định an toàn lao động trong sản xuất.
- Tham gia các buổi huấn luyện về an toàn lao động do doanh nghiệp tổ chức.
- Báo cáo sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố với người có trách nhiệm. Chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Một vài biện pháp đảm bảo an toàn lao động
Mỗi ngành nghề sẽ có các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất chung và riêng biệt. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp đảm bảo an toàn lao động điển hình của hầu hết các doanh nghiệp dưới đây.
4.1. Đối với không gian làm việc (kho, bãi…)
Doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động như sau:
- Sắp xếp các thiết bị, dụng cụ, máy móc gọn gàng trước và sau khi sử dụng.
- Trước khi bắt đầu vào làm việc, sản xuất cần kiểm tra lại toàn bộ hoạt động của máy móc, thiết bị xem có hoạt động tốt hay không.
- Thường xuyên quét dọn khu vực làm việc, vệ sinh máy móc và trang thiết bị để đảm bảo an toàn.
- Làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, chập điện, hạn chế để các loại vật liệu dễ cháy trong nhà.
- Sử dụng đầy đủ công cụ, thiết bị bảo hộ theo đúng quy định của từng ngành nghề.
4.2. Đối với người tham gia lao động, sản xuất
Người lao động phải tuân thủ các biện pháp an toàn trong sản xuất như:
- Trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như mũ bảo hộ, mắt kính bảo vệ mắt, quần áo bảo hộ, dây an toàn…
- Mặc đúng đồng phục do doanh nghiệp cung cấp khi tham gia sản xuất. Với những công ty không quy định về đồng phục thì nên mặc đồ thoải mái, không quá rộng hoặc bó sát.
- Đối với các loại trang sức, đồng hồ thì nên tháo và cất giữ ở tủ đồ hoặc ở nhà để đảm bảo an toàn khi lao động.
- Không tự ý ngắt cầu dao, nguồn điện để tránh trường hợp bị cháy nổ, chập điện…
5. Kiểm tra an toàn lao động như thế nào?
Để có kết quả kiểm tra an toàn lao động tốt nhất, bạn có thể thực hiện đúng theo các nội dung sau:
- Về lao động: Kiểm tra tổng số lao động, trong đó có bao nhiêu lao động nữ; người làm công tác y tế; người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại; người lao động chưa thành niên…
- Về tai nạn lao động: Kiểm tra tổng số vụ tai nạn lao động trong thời gian nhất định; tổng số người bị tai nạn lao động; tổng chi phí hỗ trợ cho tai nạn lao động; tổng thiệt hại về tài sản…
- Bệnh nghề nghiệp: Kiểm tra tổng số người mắc bệnh nghề nghiệp và phải phân theo mức độ; số ngày công nghỉ do bệnh nghề nghiệp; tổng chi phí cho người bị bệnh nghề nghiệp hằng năm…
- Sức khỏe người lao động: Thực hiện kiểm tra định kỳ và phân theo cấp độ sức khỏe loại I, II, II, IV, V.
- Máy móc, thiết bị: Kiểm tra khả năng vận hành; tổng số máy móc đã được kiểm định, chưa kiểm định…
- Về thời gian làm việc và nghỉ ngơi: Kiểm tra tổng số người và số giờ làm thêm trong năm; số giờ làm thêm cao nhất trong 1 tháng.
- Về tình hình quan trắc: Kiểm tra số mẫu quan trắc trong môi trường lao động; tổng số mẫu đạt và không đạt tiêu chuẩn cho phép; kiểm tra nhiệt độ, tiếng ồn, độ rung lắc và hơi khí độc.
- Về chi phí thực hiện đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất: Kiểm tra chi phí trang bị phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân; chăm sóc sức khỏe người lao động; tuyên truyền và huấn luyện…
6. Kết luận
An toàn lao động trong sản xuất là điều rất quan trọng đối với doanh nghiệp và người lao động. Việc đảm bảo an toàn lao động không chỉ là tuân thủ quy định của pháp luật mà còn thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động. Điều đó còn góp phần mang lại hiệu suất làm việc tốt, đảm bảo chất lượng công việc.